Thử thách về ô nhiễm rác thải nhựa

Việt Nam hiện có khoảng 47.450 tàu đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và vùng khơi (đánh bắt xa bờ) với khoảng 300.000 ngư dân khai thác ở các vùng biển này. Hiện nay, các tàu cá thường không có thùng rác hoặc khu vực chứa rác thải nhựa, do đó hàng năm ước tính khoảng 1.500 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển gây ô nhiễm đại dương từ các tàu này.

Giải pháp

VIFEP đề xuất giải pháp thử nghiệm máy ép rác thải nhựa cỡ nhỏ và xây dựng cơ chế thu đổi rác thải nhựa từ các tàu tại các cảng cá, bến cá thành nhu yếu phẩm cho ngư dân thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Về lâu dài, dự án dự kiến sẽ góp phần giảm khoảng 1.500 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Tính mới và sáng tạo

    Máy ép rác thải nhựa trên tàu cá được thiết kế đơn giản, nhỏ, gọn, phù hợp với không gian chật hẹp trên tàu và được làm bằng vật liệu chịu nước mặn. Máy được vận hành với hệ thống điện trên tàu, giúp giảm thiểu khoảng 90% kích thước chai nhựa đã qua sử dụng trên tàu.

    Rác thải nhựa khi được ngư dân đưa về cảng sẽ được đổi lấy những vật dụng cần thiết cho những chuyến đi biển tiếp theo của ngư dân địa phương như: mì gói, sữa, thẻ nạp điện thoại, dầu gội đầu, kem đánh răng, nước sạch… thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Mô hình tạo tác động

Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực cho môi trường biển, ngư trường khai thác thủy sản và ngư dân địa phương, như: Bảo vệ môi trường đại dương nơi sinh sống của các loài thủy sản, nâng cao chất lượng hải sản khai thác (giảm ô nhiễm nhựa). Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khả thi để thu gom rác thải nhựa từ tàu cá, đổi lấy các nhu yếu phẩm cần thiết. 

Dự án phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, như:

 

Mục tiêu 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế:

Cơ chế trao đổi tạo ra những cơ hội việc làm cho người dân địa phương tại các điểm/trung tâm thu gom rác thải nhựa tại địa phương như cảng cá, hội nghề cá địa phương, làng nghề thủy sản….

Mục tiêu 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững:

Dự án được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 1.500 tấn rác thải nhựa đại dương mỗi năm nếu được thực hiện và nhân rộng thành công ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam.

Mục tiêu 14: Tài nguyên và môi trường biển:

Các hoạt động của dự án cũng giúp nâng cao nhận thức cho ngư dân địa phương trong việc kiểm soát rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, từ đó góp phần bảo vệ môi trường đại dương.

Mô hình kinh doanh

Ngư dân địa phương thu gom rác thải trên tàu cá và thực hiện quy đổi sang nhu yếu phẩm với cơ chế trao đổi như sau:

5 kg rác thải nhựa 1 chai dầu gội đầu 200ml
5 kg rác thải nhựa 1 lốc sữa tươi
5 kg rác thải nhựa 5 gói mì ăn liền
5 kg rác thải nhựa 1 chai dầu ăn
5 kg rác thải nhựa 1 thẻ nạp điện thoại mệnh giá 20.000 VND
5 kg rác thải nhựa 1 hộp kem đánh răng

Nguồn: Kết quả phỏng vấn, tham vấn với các ngư dân tại địa phương

Thông thường, mỗi tàu cá có thể thu gom khoảng 3-5 kg rác thải nhựa trong một chuyến biển tùy theo thời gian đánh bắt (từ 7-25 ngày/chuyến biển). Với mức giá trung bình khoảng hơn 2.000 VND/kg chai nhựa, trước mắt mô hình chưa đem lại lợi nhuận và sẽ cần các nhà tài trợ cho các nhu yếu phẩm quy đổi. Hơn nữa, với mức giá trung bình khoảng 10 triệu VND/máy ép, ngư dân địa phương sẽ khó mua máy để lắp đặt và sử dụng. Do đó, dự án cần sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ và các bên liên quan để tài trợ kinh phí mua máy ép rác để lắp đặt trên tàu cá cho ngư dân.

Thị trường

Thị trường mục tiêu của chúng tôi là 28 tỉnh thành ven biển ở Việt Nam.

Kết quả ban đầu và đo lường

Dự án đang ở giai đoạn hình thành ý tưởng. Chúng tôi đã làm việc với các nhà tài trợ tiềm năng khác nhau và nhận được những phản hồi tích cực trong việc phối hợp triển khai dự án như Nhãn hiệu Dầu gội P&G (tài trợ sản phẩm dầu gội đầu), Vinsmart (hỗ trợ điện thoại thông minh), Rạng Đông (hỗ trợ lắp đặt bóng đèn trên tàu), VIFEP hỗ trợ lắp đặt 1 số máy ép rác mini trên tàu.

Tầm nhìn

Tất cả các ngư trường khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam sẽ không bị ô nhiễm rác thải nhựa từ tàu cá và có nguồn lợi thủy sản dồi dào. Tất cả rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động đánh bắt cá sẽ được thu gom về cảng cá và được xử lý đúng quy trình. Thủy sản đánh bắt ở vùng biển của Việt Nam sẽ được đảm bảo an toàn và có chất lượng cao.

Mục tiêu của chúng tôi là thu gom khoảng 1.500 tấn rác thải nhựa bị thải ra biển mỗi năm từ các tàu đánh bắt cá ở vùng lộng và vùng khơi của Việt Nam và hướng tới một đại dương xanh để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thông tin liên hệ

For more informations about us :

TS. Cao Lệ Quyên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP)